Vài nét về Giáo dục nghề nghiệp
Đào tạo nghề - Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Việt Nam có lịch sử phát triển khá lâu đời, gắn liền với sự phát triển của các làng nghề truyền thống, của sản xuất nông nghiệp. Hầu như ở bất cứ làng quê nào của đất nước cũng có những dấu ấn của sự học nghề và dạy nghề. Trải qua nhiều sự thay đổi, nhưng GDNN đã khẳng định được vai trò của mình trong việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hệ thống GDNN chính thức được luật hóa từ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Dạy nghề năm 2006, tuy nhiên, hệ thống lúc đó còn chưa thống nhất, phân mảnh ở cả các trình độ đào tạo và phạm vi quản lý nhà nước.
Ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, GDNN nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Luật Dạy nghề trước đây và Luật Giáo dục nghề nghiệp sau khi có hiệu lực thi hành, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực GDNN do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác GDNN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia. Việc mở cửa thị trường lao động đòi hỏi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó làm đòn bẩy để hội nhập, nâng cao năng suất lao động, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực đủ sức cạnh tranh để tham gia vào thị trường lao động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/9/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá là: "Tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển". Nội dung này được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/12/2021 của BCH Đảng bộ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định: phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh là trên 35% và đến năm 2030 là trên 40% so với lực lượng lao động qua đào tạo.
Song song đó, nhận thức của xã hội về công tác GDNN từng bước có những chuyển biến rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp và của người dân toàn tỉnh; chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, mạng lưới cơ sở GDNN ngày càng phát triển và mở rộng đa lĩnh vực; ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú, quy mô đào tạo nghề tăng từng năm, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.